Bệnh giác mạc hình chóp - Keratoconus



Bệnh giác mạc hình chóp là 1 tình trạng bệnh lý khiến cho giác mạc bị lồi ra ngoài. Giác mạc là 1 cấu trúc trong suốt, giống như mái vòm ở phía trước của mắt. Qua thời gian, giác mạc trở nên ngày càng dốc hơn. Với tình trạng này, giác mạc sẽ có hình chóp nón khiến cho tầm nhìn của người bệnh trở nên vô cùng méo mó và không rõ ràng.
Người ta thậm chí có thể không biết mình có bệnh trong giai đoạn đầu. Mặc dù giác mạc hình chóp luôn có vẻ biểu hiện tồi tệ hơn ở 1 mắt, nhưng bệnh thường xảy ra ở cả 2 mắt. Khi bệnh tiến triển, tầm nhìn trở nên rất mờ và bị bóp méo. Tầm nhìn kém đi vì khi giác mạc lồi ra phía trước, tình trạng loạn thị không đều và cận thị bắt đầu phát triển. Khi bệnh trở nên nặng hơn, sẹo giác mạc có thể xuất hiện gây mất thị lực nhiều hơn nữa. Một số bệnh nhân bị giác mạc hình chóp có tầm nhìn thường xuyên biến động trong khi những người khác chỉ bị thay đổi thị lực trong vòng một vài năm.
Những người bị giác mạc hình chóp thường phàn nàn rằng tầm nhìn của họ không được cải thiện nhiều khi đi đeo kính. Trong một số trường hợp, giác mạc có thể bị lồi ra phía trước và trở nên rất mỏng đến mức khiến sẹo càng phát triển và càng tiếp tục cản trở tầm nhìn. Thậm chí có trường hợp hiếm gặp là giác mạc có thể bị mất bù, gây suy giảm nghiêm trọng về thị lực hoặc thậm chí dẫn đến mù lòa.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác của bệnh giác mạc hình chóp đang còn là một bí ẩn. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng các yếu tố di truyền, môi trường và nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến lý do tại sao bệnh xuất hiện ở 1 số người
Di truyền: Người ta cho rằng một số người có  khiếm khuyết di truyền làm cho các sợi protein nhất định trong giác mạc trở nên suy yếu. Những sợi này có tác dụng giữ giác mạc trong suốt và duy trì cấu trúc mái vòm của nó. Khi những sợi này bị yếu, giác mạc bắt đầu phình ra phía trước. Nhiều nhà khoa học tin rằng di truyền đóng 1 vai trò quan trọng gây nên bệnh giác mạc hình chóp bởi vì có nhiều trường hợp 1 người bị bệnh có 1 người họ hàng cũng phát triển bệnh.
Môi trường: Những người bị bệnh giác mạc hình chóp thường cũng bị dị ứng như sốt theo mùa, hen suyễn, eczema và dị ứng thức ăn. Điều thú vị là nhiều bệnh nhân được phát hiện trước đây từng dụi mắt mạnh khá nhiều lần. Một số người bị dị ứng và một số thì không, nhưng họ có thường dụi mắt. Người ta cho rằng dụi mắt như vậy có thể gây tổn thương giác mạc, tạo cơ hộ cho bệnh giác mạc hình chóp phát triển. Một quan điểm khác rất phổ biến về cơ chế gây ra bệnh giác mạc hình chóp là stress oxy hóa. Vì một số lý do, những người bị bệnh giác mạc hình chóp có sự giảm chất chống oxy hóa trong giác mạc. Khi giác mạc không có đủ chất chống oxy hóa, collagen trong giác mạc trở nên yếu và giác mạc bắt đầu phình ra phía trước. Stress oxy hóa có thể được gây ra bởi các yếu tố cơ học như dụi mắt hoặc trong 1 số trường hợp như tiếp xúc với tia cực tím quá nhiều.
Nội tiết tố: Do tuổi khởi phát của bệnh mà người ta cho rằng nội tiết tố có thể đóng vai trò lớn trong sự phát triển bệnh. Bệnh giác mạc hình chóp thường phát triển sau tuổi dậy thì. Bệnh cũng được ghi nhận có xuất hiện ở phụ nữ mang thai.

Chẩn đoán
Thông thường, những bệnh nhân bị bệnh giác mạc hình chóp bị loạn thị trước tiên. Loạn thị là do giác mạc có hình dạng thuôn dài giống quả bóng bầu dục thay vì hình cầu như quả bóng rổ.
Giác mạc khi loạn thị có 2 bờ, 1 bờ cong phẳng và 1 bờ dốc. Điều này làm cho hình ảnh bị bóp méo và hiện ra mờ ảo. Những bệnh nhân này có xu hướng đi đo mắt rất thường xuyên và nói rằng tầm nhìn của họ dường như đã thay đổi. Vì giác mạc dần trở nên dốc hơn, cận thị cũng là triệu chứng thường xuyên được chẩn đoán. Cận thị khiến cho vật thể trở nên mờ ở khoảng cách xa.
Các bác sĩ về mắt đo độ dốc của giác mạc bằng 1 giác mạc kế. Bác sỹ có thể nhận thấy độ dốc tăng dần theo thời gian và yêu cầu bệnh nhân kiểm tra địa hình giác mạc. Địa hình giác mạc là 1 phương pháp dùng máy tính lập bản đồ các hình dạng và độ dốc của giác mạc. Địa hình giác mạc tạo ra 1 bản đồ nhiều màu cho thấy khu vực dốc có màu nóng, đỏ hơn và các khu vực bằng phẳng hơn có màu lạnh, màu xanh. Địa hình này thường hiển thị sự dốc xuống của giác mạc. Đôi khi địa hình cũng hiển thị sự bất đối xứng trong hình dạng giữa nửa trên và nửa dưới của giác mạc.
Cùng với việc kiểm tra mắt toàn diện, các bác sỹ nhãn khoa cũng sẽ thực hiện kiểm tra đèn khe, sử dụng 1 kính hiển vi sinh học thẳng đặc biệt để kiểm tra giác mạc. Thông thường, bệnh nhân mắc bệnh giác mạc hình chóp sẽ có nếp nhăn trong giác mạc của họ được gọi là vân Vogt. Ngoài ra, 1 vòng tròn của sự lắng đọng sắt xung quanh giác mạc có thể nhìn thấy được.
Điều trị
Có nhiều cách để điều trị giác mạc hình chóp tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Kính áp tròng loạn thị mềm: Trong giai đoạn đầu bệnh nhân có thể đeo kính lồi mềm. Kính lồi là kính dùng để chữa loạn thị.
Kính áp tròng cứng thấm khí: Trong giai đoạn giữa của bệnh, kính cứng thấm khí cứng cần được đeo. Kính cứng thấm khí cung cấp 1 bề mặt cứng, do đó bất kỳ sự biến dạng nào của giác mạc có thể được che phủ. Khi bệnh càng phát triển, việc đeo kính cứng thấm khí trở nên khó khăn hơn vì kính di động quá nhiều và dần bị đẩy ra ngoài. Kính khá nhỏ, đường kính thường khoảng 8-10 mm và di động nhẹ khi nháy mắt.
Kính áp tròng hỗn hợp: Kính áp tròng hỗn hợp có 1 ống kính trung tâm làm bằng chất liệu cứng thấm khí bao quanh bởi lớp chất mềm. Điều này giúp người đeo kính cảm thấy thoải mái hơn nhiều vì phần trung tâm kính rất cứng vẫn giúp điều chỉnh tầm nhìn giống như loại kính cứng thấm khí thông thường.
Kính áp tròng củng mạc: Kính áp tròng củng mạc là loại kính rất lớn được làm bằng chất liệu tương tự như kính cứng thấm khí. Tuy nhiên, kính củng mạc rất to và che phủ cả giác mạc và cả củng mạc, phần lòng trắng của mắt. Kính này che phủ hoàn toàn phần sâu nhất của giác mạc, tăng sự thoải mái và giảm nguy cơ để lại sẹo.
Nối ngang giác mạc: Nối ngang giác mạc là 1 thủ thuật tương đối mới được thực hiện để củng cố những các sợi liên kết trong giác mạc, giúp giữ lại hình dạng bình thường của nó. Thủ thuật bắt đầu với việc bơm riboflavin ở dạng lỏng (vitamin B) vào mắt. Sau đó chiếu ánh sáng cực tím lên mắt để làm chắc các liên kết. Thủ thuật này không chữa được bệnh giác mạc hình chóp hoặc làm giảm độ dốc của giác mạc mà nó giúp ngăn chặn không cho tình trạng bệnh xấu đi.
Tạo hình giác mạc: Hiếm khi bệnh bệnh giác mạc hình chóp tiến triển xấu đến mức phải cấy ghép giác mạc. Trong thủ thuật này, giác mạc hiến tặng được ghép vào phần ngoại vi của giác mạc người nhận. Kĩ thuật mới dùng laser đã tăng tỉ lệ thành công của các ca ghép giác mạc. Thường thì ghép giác mạc đem lại kết quả tốt. Tuy nhiên vấn đề giác mạc không phù hợp cũng là 1 mối lo ngại. Rất khó để dự đoán kết quả cuối cùng của thị lực bệnh nhân. Mặc dù việc cấy ghép có thể thành công, bệnh nhân vẫn có thể phải dùng thêm nhiều thuốc và cần đeo kính.

Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Theo Verywell

Bệnh giác mạc hình chóp - Keratoconus Bệnh giác mạc hình chóp - Keratoconus Reviewed by Thamkhaoyhoc on tháng 7 10, 2018 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.