CHẮP MẮT


Cặp mắt nhỏ bé như hai hòn bi thủy tinh đã được ví quý giá như ngọc, quý hơn hai bàn tay lớn hơn gấp bội mà chỉ là vàng.
Vì là bộ phận rất tinh vi, mỏng manh nên tạo hóa đã sắp đặt để hai con mắt được bảo vệ với các thành phần như sau:
-Các mảnh xương sọ họp lại thành một bức tường bao quanh ổ mắt để bảo vệ nửa phần sau của nhãn cầu.
Mi mắt để che chở phần trước của mắt. Mi mắt khép kín để tránh vật lạ xâm nhập và luôn luôn chớp mở để mắt không khô.
-Lông mày và lông mi để ngăn bụi bậm, vi khuẩn loạng quạng bay vào mắt.
-Lớp kết mạc mỏng lót mi mắt và phần trước của nhãn cầu.
-Nước mắt để làm mắt trơn, loại bỏ vật lạ và có nhất nhờn để chống nhiễm trùng.
Bào vệ như vậy tưởng là đã an toàn, vậy mà nhiều khi mắt cũng hay bị tổn thương, bệnh hoạn. Nguyên nhân gây bệnh có thể là từ bên ngoài hoặc từ con mắt.
Chắp (Chalazion) là bệnh của một loại tuyến nhỏ ở viền mi mắt. Các tuyến này do nhà cơ thể học người Đức Heinrick Meibom tìm ra vào thế kỷ thứ 17 vì thế được gọi là tuyến meibom. Tuyến tiết ra chất nhờn.
Khi bị viêm vì dị ứng, tuyến sẽ sưng lên và gọi là chắp.
Điều trị gồm có:
-Giữ gìn mắt và mi mắt sạch sẽ.
-Nhỏ nước mắt nhân tạo cho mắt trơn ướt.
-Chườm khăn thấm nước ấm lên mi mắt mỗi ngày vài ba lần.
-Nếu cần, thoa thuốc kháng sinh dạng mỡ lên mi mắt.
-Đôi khi bác sĩ có thể chích một chút thuốc corticosteroid để giảm sưng hoặc rạch mổ để nạo hết mủ.
Quầng đen quanh mắt
Thông thường thì mọi người đều nói rằng quầng đen quanh mắt là hậu quả của mấy đêm thức trắng coi phim bộ, khi trong người mỏi mệt, khi đau ốm, mất cân, vì suy nghĩ nhiều hoặc tâm tình căng thẳng.
Cũng có ý kiến cho là ở tuổi già, lớp da quanh mắt mỏng hơn để lộ các mạch máu ở dưới tạo ra quầng đen.
Hoặc vì cơ thể thiếu nước, hay dụi mắt, thiếu dinh dưỡng, do di truyền hoặc khi nằm ngủ, nước tụ quanh mi mắt tạo ra vết quầng.
Mới đây có thêm một giải thích khác có tính cách khoa học hơn. Đó là dưới lớp da rất mỏng chung quanh mắt có những mạch máu rất nhỏ, nhỏ đến nỗi mà hồng huyết cầu muốn đi qua phải thay hình lách tới. Đôi khi có mấy hồng huyết cầu thoát ra khỏi mạch máu, tan vỡ vào da. Huyết cầu tố của hồng cầu bị phân hóa, tạo ra chất mầu xám và tạo ra quầng đen quanh mắt. Hiện tượng này tương tự như da bị bầm (bruise) vì va chạm mạnh.
Thường thường quầng mắt không gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe và mất đi sau thời gian ngắn. Một vài sản phẩm thoa trên da có sinh tố C, K alpha hydroxyl acid có thể làm mất các vết quầng.
Nếu quầng mắt tồn tại lâu, nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân rồi điều trị.
Ngoài ra, mắt sưng húp hoặc có túi dưới mắt cũng có thể xảy ra.
Sưng mắt có thể là do di truyền, tụ nước vì thay đổi thời tiết, thay đổi lượng hormone trong cơ thể, do dị ứng, viêm da hoặc do một vài dược phẩm.
Sưng húp không gây nguy hại gì ngoại trừ trông hơi khó chịu.
Để giảm mi mắt sưng, nên ngủ đầy đủ; ngủ với gối hơi cao để tránh tụ nước quanh mắt; chườm quanh mắt với khăn nước lạnh hoặc với mấy miếng dưa chuột tươi mát.
Nếu mắt tiếp tục sưng lâu đặc biệt là khi các phần khác của cơ thể cũng sưng thì nên đi bác sĩ để được khám bệnh vì đây có thể là do bệnh thận, bệnh tuyến giáp hoặc do tác dụng phụ cùa vài dược phẩm.
Kết luận
Kể ra thì còn một số rủi ro khác của mắt. Nhưng người viết cũng đã mỏi đôi mắt. Và mắt người đọc chắc cũng căng căng.
Vậy thì xin cùng nhau tạm ngưng, nhắm cặp mắt vài giây, lấy ngón tay thoa nhẹ lên mi mắt, rồi nhìn ra ngoài trời nắng ấm hoặc tuyết trắng rơi rơi…cho mắt thư giãn, thoải mái. Để cùng bảo vệ hai hòn ngọc quý giá ngự ở phần cao nhất của cơ thể, chỉ dưới có đỉnh đầu mà thôi.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Texas-Hoa Kỳ



CHẮP MẮT CHẮP MẮT Reviewed by Thamkhaoyhoc on tháng 6 28, 2018 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.