Viêm hạt ( Granulomatous inflammation)


1 Định nghĩa : viêm hạt là loại đặc biệt của viêm mạn tính thể hiện bởi những tổn thương có xu hướng rõ ràng là khu trú lại và gồm các tế bào lấy từ tổ chức hơn là từ máu .
Viêm hạt là phản ứng đặc hiệu của hệ thống võng nội mô các tế bào này thể hiện rõ khả năng biến dạng lớn , tăng sinh sản mạnh và di động đến ổ viêm .
Các tổn thương của viêm hạt thường khu trú , lúc đầu là những hạt nhỏ sau phát triển thành những hạt lớn hơn có thể nhầm với các khối u cho nên  trước đây nó còn có tên  là “ u hạt- granuloma “.
Nguyên nhân của viêm hạt thường do các kháng nguyên của vi khuẩn hay bởi các dị vật tồn tại trong ổ viêm , các kháng nguyên này  gây nên  phản ứng quá mẫn của tế bào trung gian .
2 Tổn thương chung trong viêm hạt nhiễm trùng .
Các viêm hạt nhiễm trùng là viêm lao , hủi  giang mai còn gọi là viêm hạt đặc hiệu .
Viêm hạt là phản ứng gián tiếp của các đại thực bào ( nguồn gốc từ mô bào còn gọi là tổ chức bào hay tế bào trung mô dự trữ ) và các tế bào lympho T .
Các tế bào này tập trung tại vị trí tổn thương và hình thành nên ổ viêm trong đó các đại thực bào liên kết với nhau và gọi là tế bào dạng biểu mô ( epithelioide cells) . Đây là các tế bào to , nửa giống tế bào biểu mô nửa giống tế bào liên kết , có hình đa giác hoặc hình thoi . Tế bào sáng , nhân hình bầu dục hay hình đế giày , nguyên sinh chất không rõ và chúng thường nằm sát với nhau .
Tế bào dạng biểu mô được hình thành do cơ chế hoá sinh . Các chất lipid và protein phức tạp của trực khuẩn lao tác động đến những mô bào làm các tế bào này chuyển dạng thành các đại thực bào , trái với các đại thực bào là các tế bào có thể di động và được gọi là  đại thực bào nguyên phát , các tế bào dạng biểu mô không di động và đặc tính cơ bản của nó là  chúng sản xuất ra các cytokin khác nhau, có tác dụng như các chất trung gian của viêm .
Các tế bào dạng biểu mô có thể tạo thành tế bào khổng lồ nhiều nhân ( tế bào Langhans ) , các tế bào này có đến hàng trăm nhân , nhân được xếp thành hình móng ngựa hay hình vành khăn . Các tế bào khổng lồ được tạo ra do tác động của gamma interferon của các tế bào lympho T , các tế bào này hình thành do tăng  phân chia nhân của tế bào hoặc do sự kết hợp nhiều tế bào dạng biểu mô với nhau . Trong viêm lao  không sản xuất ra các kháng thể do đó không thể chẩn đoán viêm lao bằng các test huyết thanh . Cũng giống như viêm lao , viêm nấm Histoplasma hay Cryptococus là loại viêm hạt không thể chẩn đoán bằng các test huyết thanh .
Viêm hạt do lao và các viêm hạt nhiễm trùng khác thường tạo thành các nang có hình hơi tròn hay bầu dục , trung tâm của nang (ổ viêm) là tổ chức hoại tử bã đậu . Trong khi đó loại  viêm hạt có liên quan đến yếu tố  trung gian  miễn dịch như bệnh sarcoidosis là bệnh chưa hiểu biết nhiều về nguồn gốc thì không có hoại tử này và nó được gọi là “ viêm hạt không bã đậu hoá “.
Viêm hạt do giang mai (syphilis ) được gọi là gôm (gumma ) .Trong trung tâm của gôm là tổ chức hoại tử đông trong đó các tế bào vẫn còn giữ được hình dáng bên ngoài , các tế bào bao quanh tổ chức hoại tử gồm có có tế bào dạng biểu mô , tế bào khổng lồ Langhans  , tế bào lympho và đặc biệt là tương bào . Điều này chứng tỏ rằng xoắn khuẩn giang mai có khả năng kích thích sản xuất kháng thể , chính vì vậy mà nó tạo nên các kháng thể trong huyết tương , các kháng thể này được đánh giá bằng test huyết thanh trong chẩn đoán bệnh giang mai .
Viêm hạt phá huỷ tổ chức và chúng thường tồn  tại lâu trong ổ viêm và gây nên các tổn thương kéo dài và để lại nhiều biến chứng nặng nề như trong lao hủi và giang mai .

Ta có thể so sánh tổn thương của 3 loại viêm trong bảng sau



3 . Viêm hạt dị vật  .

Ngoài các viêm hạt nhiễm trùng kể trên còn có loại viêm hạt không do nhiễm trùng hay gặp trong thực tế lâm sàng là viêm hạt dị vật . Viêm hạt dị vật là viêm do các dị vật như bột talc , chỉ khâu , các mảnh vụn của gỗ , kim loại , các dầu và paraphin , nọc côn trùng …Các dị vật thường gây một phản ứng tại chỗ của mô bào ở các mức độ khác nhau . Chản đoán mô bệnh học phụ thuộc vào việc phát hiện ra dị vật nằm trong tổ chức . Các dị vật hay nằm ở phía rìa của các tế bào khổng lồ dị vật , là những tế bào có nhiều  nhân nằm rải rác , hỗn độn trong bào tương chứ không nằm thành vành khăn ( vòng tròn ) hoặc hình móng ngựa như trong các tế bào khổng lồ Langhans .
Tuỳ theo dị vật mà tổn thương có thể khác nhau về chi tiết nhưng thường giống nhau ở hình ảnh cơ bản : ổ viêm gồm các tế bào dạng biểu mô , các tế bào khổng lồ nhiều nhân , các tế bào lympho , các nguyên bào sợi, đôi khi có hoại tử . Dị vật thường nằm ở trong hoặc bên cạnh các tế bào khổng lồ .

Quá trình khỏi và sửa chữa
(  Healing and Repair )

Viêm cấp tính có thể khỏi và không để lại hâu quả gì , hay nó có thể tiến triển thành viêm mạn tính . Viêm nhẹ thường tự  khỏi sau khi các kích thích bị loại bỏ  và các chất trung gian hoá học không còn được sản xuất từ các nguồn khác nhau trong ổ viêm và cơ thể .
Nếu như viêm kết hợp với  phá  huỷ ( mất ) tổ chức nhiều , quá trình khỏi hoàn toàn của ổ viêm  thường chậm và không bao giờ trở lại được như tổ chức bình thường lúc ban đầu .
Khi bị mất tổ chức , chúng có thể khỏi và sửa chữa bằng hai cách : sửa chữa ( (repair )  bằng tổ chức liên kết để gắn liền vết thương lại và tái tạo ( regeneration ) bằng cách tăng sinh các tế bào biểu mô .
Như vậy tái tạo là hiện tượng các tế bào nhu mô ( biểu mô ) khi bị mất dược thay thế bởi một tổ chức mới do những tế bào nhu mô cùng loại ở bên cạnh tăng sinh tạo ra .
Sửa chữa là hiện tượng tăng sinh các tế bào của tổ chức liên kết ( chính là tổ chức hạt ) để gắn liền vết thương .
Mất tổ chức nhiều hay ít phụ thuộc vào các tác nhân gây viêm  .
Sự hồi phục của nó phụ thuộc nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất là tổ chức đó có nguồn gốc từ  loại tế bào nào hình thành  nên  tổ chức bị mất này trong quá trình phát triển của cơ thể .
Trong cơ thể căn cứ vào khả năng phát triển của các tế bào có thể chia chúng thành ba nhóm..
Tế bào dễ rụng ( labile cells ) .
Là những tế  bào có thể phân chia trong trong suốt quá trình sống của nó . Ví dụ như  lớp tế bào  phủ trên bề mặt da và niêm mạc chúng thường rụng ra và được thay thế bởi lớp tế bào đáy của da hoặc tế bào  nằm trong các phễu hoặc ở cổ tuyến của niêm  mạc . Các tế bào này phân chia theo một tỷ lệ điều hoà và cho nhiều các loại tế bào biệt hoá khác nhau
Tế bào ổn định ( stable cells ) .
Là những tế bào ít phân chia , thường thuộc các tạng như gan , tuỵ, thượng thận … Các tế bào này có thể được kích thích phân chia khi cần thiết . Gan là một tạng được coi là có khả năng tái tạo nhất , thì ngay cả lúc bình thường , trong 20.000 tế bào người ta cũng chỉ thấy  có 1 tế bào phân chia . Khi cắt gan  , phần gan còn lại sẽ được kích thích và các tế bào sẽ đi vào phân chia tạo thành nhìêu tế bào gan mới để thay thế phần đã mất . Khi tế bào gan tái tạo xong  nó sẽ lại nằm im trở lại và không phân chia nữa . Nếu như nó vẫn tiếp tục phân chia , nhiều khả năng sẽ phát triển thành ung thư  như trong xơ gan .
Tế bào vĩnh viễn ( permanent cells ) .
Là tế bào không có khả năng phân chia trong bất cứ hoàn cảnh nào , các tế bào thuộc loại này gồm có tế bào cơ  tim và neuron thần kinh trung ương là hai cơ quan quan trong nhất . Mất các tế bào cơ tim không thể tái tạo lại được  mà thay thế vào đó là tổ chức xơ sẹo . Mất tế bào não thì cũng không thể hồi phục được .
Như vậy rõ ràng rằng các tế bào có khả năng liên tục phân chia có thể sớm  tái tạo và sửa  chữa để bổ xung cho sự thiếu hụt của cơ quan khi bị mất . Tế bào có khả năng tái tạo nhanh là các tế  bào biểu mô phủ . Vết thương ở da hay ổ loét ở niêm mạc  sẽ nhanh chóng khỏi trong điều kiện còn lớp tế bào đáy và các tế bào nằm trong các phễu hoặc ở cổ tuyến của niêm  mạc .
Mất các tế bào gan hay tế bào ống thận có thể được  bổ xung tái tạo các tế bào mới và có thể hồi phục được chức năng cơ quan  . Mất tế bào cơ tim và não thì không thể  hồi phục kể cả dùng các loại thuốc ,vì đây là hai cơ quan cấu tạo bởi  các loại tế bào biệt hoá cao và chúng  không có khả năng phân chia .
1  Quá trình lành vết thương ( wound healing ).
Vết thương khỏi tuỳ thuộc vào việc mất tổ chức nhiều hay ít , vào vị trí giải  phẫu của vết thương . Để thấy được quá trình khỏi của ổ viêm ta có thể hiểu chúng rõ chúng hơn khi xem xét quá trình khỏi của vết thương cụ thể là quá trình khỏi ở vết mổ ( vết rạch- incision ) của da  hay ở vết thương mất tổ chức nhiều vì các quá trình hồi phục này thường cũng tương tự như trong viêm nhẹ và viêm nặng ( tổ chức hoại tử nhiều ) . Trước khi xem xét quá trình lành vết thương ta cần phải nắm được vai trò của một số tế bào trong quá trình này .
1-1  Các tế bào tham gia trong quá trình lành vết thương .
Tế bào quan trọng nhất đến quá trình khỏi vết thương là bạch cầu đa nhân , đại thực bào , các tế bào tổ chức liên kết và tế bào biểu mô .
Bạch cầu đa nhân trung tính có mặt ngay đầu tiên và có vai trò trong thời gian ngắn cho việc dọn dẹp các tổn thương  ban đầu ở vết  thương . Đại thực bào đóng vai trò quan trọng trong quá trình  khỏi vết thương chúng có mặt suốt trong cả quá trình này . Đại thực bào sản xuất ra các cytokine ,  các yếu tố phát triển (growth factors) và chất trung gian (mediator ) các chất này tác động  lên các tế bào liên kết khác trong đó đáng lưu ý là các tế bào như nguyên bào xơ cơ , nguyên bào sợi và nguyên bào mạch máu
Nguyên bào xơ cơ ( myofibroblats) tế bào lai tạo ( hybrid ) giữa hai loại tế bào cơ trơn ( smooth muscle ) và nguyên bào sợi . Chúng có khả năng co như tế bào cơ trơn và chế tiết các chất căn bản như nguyên bào sợi . Sự co của các nguyên  bào xơ cơ trong một số ngày đầu  làm cho mép củavết thương gần nhau hơn . Điều này còn giúp cho tế bào biểu mô tăng sản và che phủ bề mặt thiếu hụt và hồi phục tính toàn vẹn của lớp biểu mô phủ .
Nguyên bào mạch ( angioblast ) là những tế bào sinh mạch . Chúng tăng sản như những chồi nụ từ một vài mạch máu nhỏ ở bờ của vết thương , chúng xuất hiện ngày thứ 2-3 sau vết mổ cho đến ngày thứ 5- 6 toàn bộ vết thương tràn ngập mạng lưới mạch máu và được gọi là mạch máu tân tạo . Các mạch máu này có hai chức năng đưa các tế bào viêm đến dọn dẹp các vảy (scab ) của vết mổ khi khâu và mảnh tổ chức , đồng thời cung cấp ô xy và chất dinh dưỡng cho tổ chức .
Nguyên bào sợi ( fibroblast ) là loại tế bào phổ biến nhất trong mô liên kết , có dạng hình sao với nhiều nhánh bào tương , tế bào trưởng thành gọi là tế bào sợi ( fibrocyt ) . Chúng tham gia vào quá trình hình thành sẹo và hàn gắn vết thương bằng việc  sản xuất nhiều chất căn bản cho tổ chức ngoài tế bào ( mô đệm ) trong đó quan trong nhất là fibronectin và collagen
fibronectin có nhiều chức năng trong quá trình khỏi vết thương , chức năng quan trong nhất của nó là tạo ra bộ khung (scaffold ) làm tăng sức căng của tổ chức hạt và tạo ra như  là chất kết dính các chất căn bản khác cùng với tế bào .
*  collagen là các sợi tạo keo được hình thành trong mô đệm ,  bình thường có ít nhất là 13 loại sợi collgen khác nhau , chúng đã được cô lập và có các đặc tính khác nhau . Ở tổ chức hạt lúc đầu  các nguyên bào sợi tổng hợp chủ yếu sợi collagen tip III gọi là loại collagen  non ( immature )  là tổ chức liên kết tạm thời , ở giai đoạn muộn hơn loại sợi collagen này được thay thế bởi loại sợi tip I là loại thường có trong cơ thể trưởng thành , các sợi collagen tip I làm cho tất cả các tổ chức có hình dáng và sức căng nhất định . Quá trình chế tiết collagen là một quá trình phức tạp đòi hỏi một vài thành phần cần thiết như  kẽm (zin ), vitamin C . Collagen được tạo ra chủ yếu từ fibroblast  ngoài ra còn được tạo từ chondroblast , osteoblast , odontoblast và nhiều loại tế bào khác .
1-2 Quá trình khỏi vết thương kỳ đầu ( first intention ) .
Quá trình liền vết thương kỳ đầu thường ở các vết mổ ngoại khoa vô khuẩn hay ở các vết thương nhỏ sạch được khâu ngay . Ở đường rạch đã được khâu chỉ , hai bờ vết thương được áp sát vào nhau tuy nhiên trong khe giữa hai bờ có một lớp máu đông và các vảy trên bề mặt (scab ) được tạo ra do chỉ khâu . Các vẩy và tế bào bị tổn thương trong quá trình cắt rạch được các bạch cầu đa nhân xâm lấn và dọn dẹp trong vòng từ 2- 4 ngày . Sau đó chúng được thay thế bằng các đại thực bào , các tế bào này tiết ra các cytokine và yếu tố phát triển tác động làm tăng sự sinh sản  của nguyên bào xơ cơ (myofibroblats) , nguyên bào mạch ( angioblast ) tạo ra mạch máu tân tạo và nguyên bào sợi (fibroblast ) . Lúc này tổ chức liên kết ở đây có sự tạo thành các mạch máu mới và nhiều các nguyên bào xơ cơ , nguyên bào mạch , nguyên bào sợi được gọi là tổ chức hạt (granulation tissue )
Tổ chức hạt là tổ chức tạm thời có cấu trúc thay đổi theo thời gian , lúc đầu chúng chứa nhiều  nguyên bào xơ cơ để co nhỏ vết thương lại sau đó chúng biến mất . Các đại thực bào cũng ít đi  và mạch máu cũng xẹp dần .
Nếu tiến triển thuận lợi phản ứng viêm cấp  ở đây sẽ giảm đi , sang tuần thứ 2 sẹo sẽ có màu tái xanh . Khoảng giữa hai mép vết thương lúc đầu chứa đầy máu và dịch phù sẽ thay thế bằng các chất căn bản  lúc đầu là fibronectin và fibrin sau đó là collagen típ III .
Các biến đổi trong chân bì thường kết hợp cùng với sự  tái tạo của các tế bào biểu mô phát triển từ bờ mép của vết thương . Các tế bào này sẽ che phủ chỗ thiếu hụt trong khoảng 3 -7 ngày . Trong trường hợp lý tưởng biểu mô da lấp đầy tổ chức hạt và vết thương thành sẹo trong khoảng thời gian từ 3-6 tuần , sẹo còn tiếp tục được sửa đổi ngay sau đó , các sợi tạo keo xắp sếp mất trật tự lúc đầu , collagen típ III được thay thế bởi các sợi tao keo típ I có cấu trúc mà  không thể phân biệt với sợi tạo keo bình thường của da . Người ta đã quan sát được diễn biến của quá trình lành của vết mổ đã được khâu như sau :
-  Ngày 1 : Bạch cầu đa nhân trung tính xuất hiện ở bờ  vết mổ , trong khoảng hẹp giữa hai mép vết mổ có biểu hiện của phản ứng viêm cấp tính dẫn đến sưng ,nóng ,đỏ và đau ở vết  thương . Các tế bào biểu mô của bờ vết thương phân chia và bắt đầu di chuyển qua vết thương .
-  Ngày 2  : Các đại thực bào bắt đầu xâm nhiễm và phá huỷ các sợi tơ huyết , các tế bào biểu mô tiếp tục tăng sinh sản và tái lập một lớp mỏng trên vết thương  .
-  Ngày 3 : Các  tế bào của tổ chức hạt như nguyên bào xơ cơ nguyên bào mạch và nguyên bào sợi bắt đầu xâm lấn vào tổ chức tổn thương  , lớp biểu mô bề mặt tiếp tục được tăng cường bởi lớp biểu mô dày hơn .
-  Ngày 5 : Trong khoảng vết thương lúc này  chứa đầy mạch máu của tổ chức hạt , các sợi collagen được tổng hợp và  lắng đọng. Lớp biểu mô đạt được cấu truc bình thường . Phản ứng viêm cấp tính ở vết thương bắt đầu giảm , biểu hiện các triệu chứng  sưng ,nóng ,đỏ và đau ở vết  thương dần mất đi .
-  Ngày 7 : Lúc này chỉ khâu thường được lấy đi từ da của vết thương . Vết thương đạt được gần 10% sức  căng của da bình thường .
-  Ngày 10 : Các nguyên bào sợi tiếp tục tăng sản và  có sự lắng đọng collagen trong tổ chức hạt để tăng cường cho sức căng của vết thương .
-  Ngày 15 : Collagen lắng đọng tạo thành các dải tơ sợi tạo keo .Tổ chức hạt giảm các mạch máu nhưng vẫn còn màu hồng hơn tổ chức bên cạnh .
-  Ngày 30  : Vết thương đạt được 50% sức  căng của da bình thường
-  3 tháng : Vết thương đạt được 80% sức  căng của da bình thường keo . Màu tái xanh của sẹo sau vài tháng mới hết.


1-3  Quá trình khỏi vết thương kỳ hai  ( secondary  intention ) .
Trái với khỏi kỳ đầu của vết mổ vô trùng , các vết thương nhiễm trùng và mất tổ chức nhiều phải qua quá trình khỏi kỳ 2 , do mất tổ chức nhiều các nguyên bào xơ cơ không thể co để tạo thành cầu nối làm cho bờ vết thương gần nhau hơn , các thủ thuật ngoại khoa cũng vậy , hơn nữa  tổ chức hạt luôn luôn chịu tác động của môi trường bên ngoài nên  vết thương khỏi kỳ 2 thường kéo dài và có những vết thương không bao giờ khỏi hoàn toàn .
Trong quá trình khỏi kỳ 2 , tổ chức hạt được nhìn thấy rõ hơn . Chúng là tổ chức màu hồng nổi  hạt lăn tăn ở đáy một vết thương  đang lành . Tổ chức này là tổ chức liên kết non gồm các  nguyên bào xơ cơ ( myofibroblats ) , nguyên bào mạch ( angioblast ) và nguyên bào sợi (fibroblast ). Tổ chức hạt này sẽ phát triển dần từ dưới lên .
Một vết thương bao giờ cũng được phủ đầy thành phần của dịch rỉ viêm mà chủ yếu là huyết tương đã đông lại và hệ thống sợi tơ huyết đậm đặc .
Lúc đầu các nguyên bào mạch ( angioblast ) phát triển thành những mầm nội mô đặc xuyên vào khối huyết tương và sợi tơ huyết , các mầm nội mô nối với nhau và tạo thành hệ thống mao mạch mới , các mạch máu này nằm thẳng góc với bề mặt vết thương và gọi là mạch máu tân tạo . Cùng lúc này các nguyên bào sợi cũng tăng sinh và nằm hướng song song với các mạch máu tân tạo .
Khi mạch máu tân tạo tạo thành , các bạch cầu chủ yếu là bạch cầu đa nhân di chuyển , xuyên mạch vf tiến lên bề mặt tổ chức hạt . Tại đây chúng giữ vai trò quan trong trong việc ngăn chặn vi khuẩn phát triển  như vậy tổ chức hạt khi được hình thành chúng có vai trò quan trọng là một lớp bảo vệ không cho các độc tố và vi khuẩn xâm nhập xuống các tổ chức bên dưới .
Tổ chức hạt cứ như thế phát triển , mọc đầy cho tới một lúc nào đó các nguyên bào sợi ở dưới sâu sẽ xắp xếp lại nằm song song với bề mặt vết thương
Khi tổ chức hạt được hình thành nó có tác dụng là nền để cho các tế bào biểu mô phát triển từ các bờ vào che phủ lên trên tổ chức hạt , lúc đầu chúng là lớp biểu mô mỏng sau đó đày dần và các tế bào được biệt hoá thành lớp gai , lớp sừng . Lúc này các mao mạch cũng ngừng phát triển , cung cấp máu sẽ giảm đi , các sợi collagen thay đổi cuối cùng là collagen típ I , các tế bào còn lại chủ yếu là tế bào lympho và tương bào lúc này ta gọi là sẹo .
Biểu mô phủ trên sẹo thường mỏng hơn da bình thường , các hình lồi chân bì thường không có , các thành phần phụ nếu bị phá huỷ hoàn toàn thì không còn  do không thể tái tạo lại được .
Trong quá trình hình thành sẹo có thể có sự thiếu hụt khi  hình thành sẹo , sẹo tạo ra là những sẹo không hoàn chỉnh ( deficient ) sẹo đó sức căng kém và dễ nứt rách . Hoặc sự hình thành quá mức dẫn tới sẹo lồi ( keloide  ) do phì đại sợi collagen típ III ( típ non ) ,  có sẹo lồi do rối loạn quá trình chuyển collagen tip III sang tip I làm cho collagen típ III tồn tại mãi trong sẹo . Sẹo lớn có thể gây co kéo , đặc biệt trong bỏng và gây nhiều hậu quả quan trọng


2. Các yếu tố ảnh hưởng đến khỏi vết thương
Vết thương chậm khỏi ( delaye wound healing ) thường do tác động tại chỗ hoặc tình trạng toàn thân . Một vết thương khỏi phụ thuộc nhiều yếu tố quan trọng :
+ Vị trí vết thương : Vết thương da khỏi nhanh và hoàn toàn , còn  vết thương không khỏi hoàn toàn .
+ Yếu tố cơ học : Vết thương khỏi nhanh nếu như bờ , mép vết thương gần nhau hơn có thể do tác dụng của phẫu thuật và giữ cho chúng cố định không di chuyển . Nếu như da bị căng khi co kéo chúng lại sẽ là nguyên nhân cản trở lành của vết thương . Vận động nhiều làm chậm lành vết thương , chính vì vậy bệnh nhân sau mổ cần phải bất động trên giường một thời gian . Các dị vật cũng là một trở ngại cho qúa trình lành vết thương
+ Kích thước của vết thương : Rõ ràng vết thương nhỏ khỏi nhanh hơn vết thương rộng .
+Tình trạng nhiễm trùng : Vết thương nhiễm khuẩn khỏi lâu hơn vết thương vô khuẩn . Thật không may nhiễm trùng là điều khó tránh khỏi , ngay tại bệnh viện sau mổ cũng có khoảng gần 5% vết mổ nhiễm khuẩn , cho nên dùng kháng sinh cho tất cả các bệnh nhan sau mổ để chống nhiễm khuẩn là cần thiết , nhất là trong điều kiện môi trường không đảm bảo .
+ Tình trạng tuần hoàn : Đóng vai trò rất quan trọng , nếu thiếu máu vết thương khó khỏi như trong bệnh đái đường , tổn thương các mạch máu nhỏ dẫn đến thiếu máu mạn tính thường làm cho các vết thương lâu liền  .
+ Yết tố nuôi dưỡng và chuyển hoá : Nuôi dưỡng tốt vết thương chóng khỏi , protein rất cần thiết cho quá trinh lành vết thương . Thiếu nuôi dưỡng , thiếu vitamin C thiếu  kẽm   . Rối loạn chuyển hoá như trong đái đường , thừa quá mức corticosteroid do tăng chế tiết hoặc do uống vào cũng làm ảnh hưởng hình thành sẹo .
+ Tuổi : Vết thương khỏi nhanh ở trẻ  em hơn ở người già .
Kết luận chương viêm
Viêm là đáp ứng sinh học có tính qui luật của  cơ thể với  tác nhân gây viêm . Là quá trình phức hợp giữa điều hòa và phản ứng với sự tham gia của cả hệ thống thần kinh thể dịch . Các phản ứng trong viêm có mối lên quan chặt chẽ với nhau , xảy ra đồng thời với nhau cho nên khi xem xét về viêm chóng ta phải xem xét nó trong mối quan hệ tổng thể để thấy được tác dụng bảo vệ của nó và có thái độ xử trí đúng đắn với viêm .

Tài liệu tham khảo .
1-    Giải phẫu bệnh đại cương – Trường đại học Quân y 1983
2-  Giải phẫu bệnh đại cương – Học viện  Quân y 2006
3-  Giải phẫu bệnh học - Đại học Y khoa Hà Nội 1998.
4- Pathology –Alan Stevén; James Lowe – Mosby 1995
5 - Pathology for the health related professions – Ivan Damjanov – WB Saunder company 1996 .
6 - Web – Path the internet pathology laboratory for medical education




Viêm hạt ( Granulomatous inflammation) Viêm hạt ( Granulomatous inflammation) Reviewed by Thamkhaoyhoc on tháng 6 28, 2018 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.